Cúm mùa: Nguyên nhân và triệu chứng
logo

Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do vi - rút cúm gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết. Nếu người bệnh không điều trị sớm và đúng cách thì có thể để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là một nhiễm vi rút cấp tính do vi rút cúm tuýp A hoặc B. C gây ra. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Hầu hết người bệnh hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong. Do đó, người bệnh phải có ý thức điều trị bệnh nhanh và dứt điểm.

Nguyên nhân của cúm mùa

Nguyên nhân của bệnh cúm là do Virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến chủng, biến thể. Những biến đổi nhỏ liên tục gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Khi những biến đổi nhỏ dần tích tụ lại thành những biến đổi lớn, tạo nên type kháng nguyên mới, đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Những phân type kháng nguyên mới này sẽ gây dịch lớn.

Triệu chứng của cúm mùa

Bệnh cúm mùa thường giới hạn ở đường hô hấp

Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 2 ngày), người bệnh thường có các biểu hiện ban đầu như sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi. Về sau, triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa có thể xảy ra. Nhìn chung, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác gần như biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn có thể còn kéo dài. Tất cả các triệu chứng và cảm giác mệt mỏi sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.

Lời khuyên cho bạn

Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác, vì vậy mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm bằng các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.

- Lau chùi thường xuyên các bề mặt tiếp xúc hay các vật dụng có thể bị lây nhiễm bệnh cúm.

- Xây dựng chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng, ăn uống đúng giờ.

- Tập thể dục hàng ngày, rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà, bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm.

- Bệnh cúm mùa được dự phòng bằng cách tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm.