Ung thư cổ tử cung là gì? Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không? sống được bao lâu? có lây không? có di truyền không? có đau không? có mang thai và sinh con được không? Làm cách nào để phòng mắc ung thư cổ tử cung từ sớm?…. hàng loạt các câu hỏi về ung thư cổ tử cung sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết:
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là ung thư xuất phát ở cổ tử cung – bộ phận nằm phía dưới của tử cung, thò vào âm đạo. Do các tế bào thuộc cổ tử cung bị đột biến dẫn đến mất cân bằng trong chu trình tế bào và phát triển một cách không kiểm soát tạo thành khối u.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư khá thường gặp ở nữ, bệnh chiếm khoảng 12% trong số các bệnh ung thư ở nữ.
Hai loại ung thư cổ tử cung hay gặp nhất là:
- ung thư biểu mô vảy (Squamous cell carcinoma) chiếm 80-85%
- ung thư biểu mô tuyến (Adeno carcinoma) chiếm khoảng 10%
Các thể còn lại ít gặp trên lâm sàng (như sarcoma trơn, sarcoma đệm, u hắc bào ác tính…)
Tại sao bị mắc ung thư cổ tử cung?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (Human papilloma virus), lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Khoảng 95% các ca ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV.
Ung thư cổ tử cung thường xuất hiện ở độ tuổi nào?
Nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung tăng dần theo độ tuổi. Đối với ung thư cổ tử cung, do nguyên nhân chính là HPV và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Do đó, thời điểm mắc bệnh có liên quan đến thời điểm quan hệ tình dục lần đầu tiên và hoạt động tình dục. Độ tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59 tuổi, độ tuổi trung bình gặp ung thư cổ tử cung xâm lấn là 48-52 tuổi.
Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?
Bệnh ung thư cổ tử cung là căn bệnh hết sức nguy hiểm bởi:
- Thời gian sống thấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời: Thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30-59, bệnh có thể dẫn đến tử vong trong vòng 3-5 năm nếu không điều trị.
- Bệnh khó phát hiện, thường phát hiện ở giai đoạn muộn, cơ hội sống thấp: Bệnh thường diễn biến âm thầm và ít triệu chứng, do đó thường phát hiện muộn, lúc này cơ hội điều trị bệnh rất thấp và tốn kém hơn nhiều so với phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Cơ hội sống sót sau 5 năm của bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn IV chỉ còn khoảng 10%.
- Ảnh hưởng lớn tới sinh sản của phụ nữ: Ngoài ra, nếu mắc bệnh ở giai đoạn sớm vẫn có thể điều trị khỏi nhưng thường ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con về sau, đặc biệt là khi khối u đã xâm lấn.
Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?
Các bệnh nhân ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị có thể tử vong trong vòng 3-5 năm. Ngược lại, nếu điều trị tốt ngay từ giai đoạn đầu, người bệnh có thể được chữa khỏi. Khả năng sống thêm sau 5 năm của người bệnh ước tính theo giai đoạn bệnh nếu được điều trị tích cực như sau:
- Giai đoạn 1: khoảng 90%
- Giai đoạn 2: khoảng 75%
- Giai đoạn 3: khoảng 40%
- Giai đoạn 4: khoảng 10%.
Như vậy, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giai đoạn bệnh và quá trình điều trị cho bệnh nhân. Phát hiện bệnh càng sớm, khả năng điều trị khỏi càng cao, do đó, người bệnh nên tầm soát định kỳ.
Ung thư cổ tử cung có lây không?
Ung thư cổ tử cung có bản chất là khối u ác tính phát triển tại cổ tử cung, các tế bào ác tính này không có khả năng lây trực tiếp từ người này sang người khác. Ung thư là kết quả của một quá trình tiếp xúc lâu dài với tác nhân gây bệnh dẫn đến đột biến gen và loạn sản tế bào, dần dần hình thành khối u. Do đó, căn bệnh này không thể lây truyền một cách trực tiếp từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, nếu xét về nguyên nhân gây bệnh, khoảng trên 90% các ca ung thư cổ tử cung gây ra do virus HPV, do đó nếu bạn bị lây HPV, bạn có khả năng phát triển thành ung thư cổ tử cung sau một khoảng thời gian dài.
Đáng chú ý là đa số mọi người, kể cả phụ nữ và nam giới đều bị lây nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời nhưng chỉ một phần nhỏ phụ nữ trong quần thế tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Như vậy, việc bị lây nhiễm HPV là khó tránh khỏi, không kể đến việc có tiếp xúc với người bệnh hay không. Nhưng khả năng hình thành ung thư lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, quan trọng nhất là hệ miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên nếu bạn bị lây HPV từ người bệnh bằng cách gián tiếp nào đó, bạn có nguy cơ cao hơn lây nhiễm ở những người bình thường khác, do HPV lây từ người bệnh là các chủng có khả năng gây ung thư trong số rất nhiều chủng HPV tổn tại.
Ung thư cổ tử cung có di truyền không?
Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh di truyền, nghĩa là mẹ bạn bị ung thư thì không có nghĩa là chắc chắn bạn cũng sẽ bị bệnh.Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người thân từng mắc bệnh này, thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung của những người còn lại sẽ cao hơn người bình thường.
Ung thư cổ tử cung có di căn không?
Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính bắt nguồn từ phần cổ tử cung. Đặc tính quan trọng của các khối u ác tính là xâm lấn tổ chức và di căn. Ung thư cổ tử cung thường xâm lấn sâu vào các lớp cơ bên trong cổ tử cung, xâm lấn đến khung xương chậu, thò ra âm đạo.
Ở giai đoạn muộn, khối u có thể di căn đến các hạch lân cận, hạch chậu, xâm lấn vào bàng quang. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung là dạng ung thư ít khi theo máu, bạch huyết đến các cơ quan xa, mà chủ yếu phát triển xâm lấn tại vùng gây ra các triệu chứng như đau xương chậu, thận ứ nước hoặc mất chức năng thận.
Bị ung thư cổ tử cung có quan hệ được không?
Ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư cổ tử cung, khối u phát triển bắt đầu từ phần cổ tử cung. Trong khi giao hợp, âm đạo mới là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với dương vật, do đó có thể thấy, khối u ít ảnh hưởng đến việc quan hệ bình thường.
Tuy nhiên, ở giai đoạn xâm lấn, khối u có thể gây ra đau hoặc chảy máu khi quan hệ, đặc biệt là khi khối u đã xâm lấn xuống âm đạo.
Do đó, mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình giao hợp, khối u có thể gây ra một vài trở ngại trong quá trình này, cụ thể là gây đau, chảy máu âm đạo bất thường khiến phụ nữ sợ quan hệ. Khi thấy có những dấu hiệu, biểu hiện lạ trên, chị em tuyệt đối không được chủ quan, lập tức tới các cơ sở chuyên khoa để thăm khám nhằm phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Bị ung thư cổ tử cung có mang thai và sinh con được không?
Tử cung là nơi làm tổ của trứng sau thụ tinh, có chức năng mang và nuôi dưỡng bào thai. Do đó, các bất thường tại cơ quan này đều ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con ở phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung gây tổn thương ở đoạn cuối của tử cung, phần nối liền với âm đạo, đây không phải là vị trí làm tổ của bào thai, do đó nếu điều trị tốt, bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai. Nếu không được điều trị, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 3-5 năm, nếu điều trị ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt toàn bộ tử cung và không còn khả năng mang thai.
Như vậy, mặc dù mắc ung thư cổ tử cung, người bệnh vẫn còn cơ hội mang thai. Tuy nhiên, cần điều trị ở giai đoạn sớm và trao đổi với bác sỹ để bảo tồn tử cung. Mặt khác, sau khi điều trị, nếu mang thai, bệnh nhân cũng cần trao đổi với bác sỹ nhằm theo dõi sát thai kỳ và giảm nguy cơ sảy thai. Nếu phẫu thuật cắt cổ tử cung và giữ lại phần thân và đáy tử cung, phụ nữ vẫn có thể mang thai nhưng cần theo dõi cẩn thận trong thai kỳ và thực hiện mổ lấy thai ở thời điểm gần sinh.
Ung thư cổ tử cung có đau không?
Ung thư cổ tử cung thường diễn biến âm thầm và rất ít triệu chứng. Người bệnh thường không có cảm giác đau, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bệnh.
Khi khối u có kích thước lớn và bắt đầu xâm lấn, chèn ép, bệnh nhân có thể gặp mốt số triệu chứng như chảy máu âm đạo bất thường, dịch âm đạo bất thường và có thể có mùi. Cảm giác đau thường không xuất hiện thường xuyên, người bệnh có thể thấy đau khi:
- Đau khi quan hệ.
- Đau khung xương chậu.
- Đau hông hoặc đau thắt lưng có thể có.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể đối mặt với đau đớn sau phẫu thuật hoặc các tác dụng không mong muốn khác của quá trình điều trị gây ra, đặc biệt là hóa trị liệu.
Có nên tiêm phòng, chích ngừa ung thư cổ tử cung?
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. Do đó, việc tiêm phòng HPV trước khi bị phơi nhiễm giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ là rất cần thiết. Các bậc phụ huynh nên chủ động chủng ngừa HPV cho con gái, hoặc phụ nữ trẻ chưa quan hệ tình dục lần đầu nên tự bảo vệ mình bằng việc chủng ngừa HPV.
Các bé gái tuổi từ 9-26 hoặc phụ nữ trẻ chưa có quan hệ tình dục lần đầu tiên là các đối tượng có lợi nhiều nhất khi tiến hành tiêm chủng ngừa HPV, đây cũng là các đối tượng được khuyến cáo. Tiêm phòng HPV thực hiện với đối tượng phụ nữ khỏe mạnh, chưa có phơi nhiễm với HPV trước đó (trước thời điểm có quan hệ tình dục lần đầu), không tiêm HPV trong vòng 4 tuần và không dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
Việc tiêm phòng HPV được thực hiện qua 2-3 mũi. Các trường hợp thông thường sẽ tiêm chủng đủ liệu trình 3 mũi, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất từ 1-2 tháng tùy loại vaccine, mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất 6 tháng. Ở bé gái từ 9-14 tuổi có thể thực hiện phác đồ 2 liều cách nhau 6 tháng.
Để tiêm phòng HPV, bạn có thể đến các phòng tiêm chủng trên địa bàn sinh sống. Lưu ý rằng, mặc dù đã tiêm phòng HPV trước đó, phụ nữ trong độ tuổi có nguy cơ vẫn được khuyến cáo làm xét nghiệm phết tế bào tử cung định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu?
Phụ nữ được khuyến cáo tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 2-3 năm, kể từ sau khi bắt đầu và duy trì quan hệ tình dục thường xuyên từ 2-3 năm. Đối với các đối tượng có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc ung thư, quan hệ tình dục với nhiều đối tác…., việc tầm soát có thể thực hiện định kỳ hằng năm.
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa trên địa bàn sinh sống để thực hiện. Nếu phát hiện thấy bất thường, các bác sỹ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu và có thể sẽ cần đến các bệnh viện ung bướu uy tín để chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị.
Một số địa chỉ uy tín tầm soát ung thư cổ tử cung như:
- Ở miền bắc, có các bệnh viện ung bướu hàng đầu như bệnh viện K, 108, bệnh viện Bạch Mai hay các bệnh viện tư nhân như bệnh viện Thu Cúc, Hưng Việt..
- Ở miền Trung, người bệnh có thể đến Trung tâm ung bướu – bệnh viện trung ương Huế và bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nơi mới được đầu tư trang thiết bị y tế cùng đội ngũ bác sỹ chuyên gia hàng đầu.
- Ở miền Nam, bệnh nhân ung thư phổi có thể đến bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, hoặc nếu có điều kiện hơn thì thăm khám ở bệnh viện đa khoa quốc tế Central Park, nơi được áp dụng kĩ thuật xạ trị chuẩn quốc tế.
Làm gì để phòng mắc ung thư cổ tử cung?
Để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần lưu ý tránh các yếu tố nguy cơ sau:
- Chung thủy, ít bạn tình
- Không nên quan hệ tình dục sớm trước tuổi 18
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Sử dụng thực phẩm từ hoạt chất fucoidan Nhật Bản giúp tăng cường sức đề kháng và phòng tránh ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện phù hợp, có thể tiêm chủng ngừa HPV cho con gái trước lần quan hệ đầu tiên.