Ung thư là bệnh khá phổ biến ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Khi tuổi thọ tăng và mức độ phát triển công nghiệp hóa tăng thì bệnh ung thư cũng có xu hướng gia tăng. Bạn có chắc mình hoàn toàn không thể mắc ung thư ?
Theo nghiên cứu mới nhất thì 60% đột biến ung thư do lỗi sao chép DNA ngẫu nhiên, 29% tại môi trường và 5% đột biến di truyền.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 150 nghìn người mắc bệnh ung thư hàng năm. Khoảng 57% trong số đó là nam giới và 43 phần trăm là nữ. Theo số liệu thống kê trên toàn thế giới, thì cứ 100.000 nam giới sẽ có 205 trường hợp mới mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 173 trường hợp mới mắc/100.000 nam giới. Như vậy, tỷ lệ ung thư ở nam giới Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng hàng thứ 3, có tỉ lệ mắc từ 135 – 178 trường hợp/100.000 dân.
Tương tự như vậy, ở nữ giới Việt Nam hàng năm có khoảng 114 trường hợp mới mắc ung thư trên 100.000 phụ nữ trong khi tỷ lệ này ở thế giới là 165 trường hợp mắc mới hàng năm. Như vậy, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng hàng thứ 4, có tỉ lệ mắc từ 112 – 140 trường hợp mới mắc/100.000 người.
Nếu tính chung cả 2 giới tỷ lệ mới mắc hàng năm của Việt Nam là 140 trường hợp mới mắc trên 100.000 dân và của thế giới là 182 trường hợp mới mắc/100.000 dân và như vậy tỷ lệ này ở thế giới cao gấp 1,3 lần so với Việt Nam. Ung thư có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em, nhưng đa phần ung thư sẽ xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi. Mọi nhóm dân tộc đều có thể mắc ung thư. Ngày nay, có khoảng hơn 200 nghìn người đang sống với bệnh ung thư hoặc đã chiến thắng căn bệnh này.
Đối với nam giới
10 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là : ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến, khoang miệng.
Đối với nữ giới
10 loại ung thư có tỷ lệ mới mắc cao ở nữ giới Việt Nam phổ biến nhất là: ung thư vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch, máu.
Ung thư là căn bệnh không lây nhiễm, có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan tới hành vi lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực. Căn bệnh ung thư cũng liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường do công nghiệp hoá, thực phẩm bẩn không an toàn không được kiểm soát…
Hầu hết ung thư đều có thể chữa được
- Hầu hết ung thư đều có thể chữa trị được. Là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi hoàn toàn (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).
- Nếu bị ung thư, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên sâu về điều trị ung thư để được hưởng những kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại nhất trên thế giới
- Sau khi điều trị xong và được cho xuất viện về để theo dõi, lúc này bệnh nhân phải đi tái khám theo dõi đều đặn. Thời điểm này, nếu bệnh nhân muốn uống thuốc nam, thuốc bắc (chẳng hạn lá cây đu đủ, u, máu rắn,…) cần phải được tư vấn của bác sĩ , hay đến những cơ sở đông dược, y học cổ truyền…nhưng phải coi chừng Gan, Thận có thể hư bất cứ lúc nào.
Để phòng ngừa và phát hiện ung thư sớm, người dân nên lưu ý các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư cũng như khám sức khỏe định kì. Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.