Ung Thư Dạ Dày Và Những Điều Bạn Cần Biết
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày phát triển bất thường đột biến, mất kiểm soát và xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Khi bệnh ung thư dạ dày tiến triển nặng, có thể gây tử vong.
Dựa vào mức độ tổn thương, bệnh ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày. Đây còn được gọi là ung thư biểu mô, là giai đoạn sớm của ung thư dạ dày.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã gây tổn thương ở lớp thứ 2 của dạ dày.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư dưới cơ.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phát triển vào hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 4: Ở giai đoạn cuối này các tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể, gây nguy cơ tử vong cao.
Nguyên nhân bệnh ung thư dạ dày
- Các tổn thương tiền ung thư: Teo niêm mạc dạ dày; tế bào ở niêm mạc dạ dày biến đổi hình thái giống như tế bào ở ruột và đại tràng (chuyển sản ruột); tế bào niêm mạc dạ dày biến đổi cấu trúc, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể (nghịch sản).
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
- Béo phì: Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.
- Di truyền: Tỷ lệ di truyền gen viêm teo dạ dày từ mẹ sang con là 48%. Ngoài ra, sự đột biến di truyền của E – cadherin gen (CDH1) hay mắc phải các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp cũng liên quan đến ung thư dạ dày.
- Nhóm máu: Người có nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn so với các nhóm máu O, B, AB.
- Phẫu thuật dạ dày: Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khoảng 15 – 20 năm sau phẫu thuật.
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.
- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.
Dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn đầu
- Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển, thậm chí có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể chỉ trong vòng 3 tháng.
- Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không thuyên giảm..
- Chán ăn: Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.
- Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.
- Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.
Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày gần giống với những bệnh lý dạ dày khác, vì vậy, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, chỉ đi khám khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng.
Cách phòng bệnh ung thư dạ dày hiệu quả
- Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu béo phì.
- Tập luyện thể thao thường xuyên.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và không sử dụng các chất kích thích.
- Nếu mắc phải các bệnh về dạ dày, cần thăm khám sớm và điều trị triệt để.
- Khám và chữa trị tốt các khối polyp, khối u lành tính trong dạ dày.