Đột quỵ là một biến chứng sức khỏe nguy hiểm, nó có thể xảy ra ở bất cứ ai và dễ dàng cướp đi tính mạng người bệnh nếu không can thiệp sớm. Người trung niên, cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, đặc biệt bệnh tim mạch là những đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ. Thế nhưng những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng.
Các yếu tố gây đột quỵ ở người trẻ
Đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng
Tình trạng mất ngủ
Nhiều người khi nhắc đến tình trạng mất ngủ thường nghĩ rằng nó chỉ xảy ra ở người cao tuổi trên 60, tuy nhiên không ít giới trẻ hiện nay gặp phải vấn đề này. Nguyên nhân gây kéo dài thường do áp lực công việc, học tập, vấn đề căng thẳng từ gia đình, xã hội, kinh tế,… Nếu mất ngủ kéo dài trên 1 tháng, tần suất mất ngủ khoảng 3 lần/tuần thì tình trạng này có thể trở thành mãn tính.
Lúc này, dù điều trị và nghỉ ngơi tốt thì người trẻ cũng rất khó để cải thiện, khắc phục tình trạng mất ngủ. Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thúc đẩy các bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì,… Không ít bạn trẻ đang rút ngắn thời gian ngủ hàng ngày của mình cho hoạt động vui chơi, học tập hay làm việc.
Stress, căng thẳng thường xuyên
Đây đang là vấn đề đáng báo động ở giới trẻ, cũng là hậu quả của lối sống hiện đại, nhịp sống công nghiệp. Thực tế tình trạng stress này gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe, là yếu tố thúc đẩy các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có biến chứng đột quỵ.
Giới trẻ hiện đại gặp nhiều áp lực từ công việc, học tập lẫn cuộc sống xã hội và gia đình. Vì thế cân bằng tâm lý, giải tỏa stress đang là vấn đề quan trọng cần đặt lên hàng đầu. Một nghiên cứu tại Anh đã cho biết, những người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần, áp lực thường xuyên có nguy cơ đột quỵ cao hơn 30% so với người bình thường.
Lối sống ít vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích
Cuốn theo công việc, cuộc sống và các mối bận tâm khác là lý do khiến nhiều người trẻ bỏ quên vận động. Mới đây, tạp chí Đột quỵ của Hiệp Hội Tim mạch Mỹ công bố, những người không vận động thì nguy cơ đột quỵ tăng 20% so với những người vận động ít nhất 4 lần một tuần. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích làm tăng huyết áp, biến chứng thần kinh trung ương, tạo tiền đề xơ vữa động mạch dễ gây thiếu máu cục bộ khiến đột quỵ. Đáng lưu ý, tình trạng xơ vữa mạch sẽ xuất hiện rất sớm trước các tác động liên tục từ lối sống.
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) có liên quan đến đột quỵ nhồi máu não. Đối với những người trẻ tuổi, các thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,… sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu.
Tâm lý chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi
Tuổi trẻ thường được xem là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, người trẻ dù ở độ tuổi 20, 30 hoàn toàn không “miễn nhiễm” với đột quỵ bởi thực tế căn bệnh này không chừa một ai. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Cần phải làm gì để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ tuổi?
Đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể phòng ngừa nếu giữ một thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
- Có một lối sống tích cực cũng như chế độ ăn thích hợp và tăng cường tập thể dục, tập vận động mỗi ngày;
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não ở người trẻ tuổi như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích,… là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ tái phát.
Bên cạnh đó, không nên chủ quan cho rằng đột quỵ não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua việc thăm khám. Do đó, khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ thì cần đi kiểm tra sức khỏe để kịp thời phòng ngừa những nguy cơ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này.