Ung thư dạ dày di căn là hiện tượng các khối u ác tính tại dạ dày di chuyển, lan rộng sang cách hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận và ở xa dạ dày. Vậy ung thư dạ dày di căn đến đâu? Ung thư dạ dày di căn có thật sự nguy hiểm, chữa trị ra sao? Mời bạn đọc bài viết để có lời giải đáp cụ thể.
Ung thư dạ dày di căn tới bộ phận nào?
Theo các nghiên cứu về sự di căn của Ung thư dạ dày, tế bào ác tính ung thư dạ dày có thể di căn, lan rộng tới các vị trí như:
Ung thư dạ dày di căn tới các hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết có mặt ở khắp mọi nơi trong cơ thể, có vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Các hạch bạch huyết gần dạ dày là vị trí đầu tiên xuất hiện hiện tượng di căn của các tế bào ung thư dạ dày. Tùy thuộc vào từng giai đoạn ung thư dạ dày mà số lượng hạch bạch huyết có tế bào ung thư là ít (1 hoặc 2 hạch) hay nhiều ( từ 7 đến 15 hạch).
Sự di căn của tế bào ung thư dạ dày đến các hạch bạch huyết tuy không gây ra các triệu chứng hay biến chứng gì nguy hiểm đối với người bệnh, nhưng đây là chính là một trong những con đường giúp tế bào ung thư dạ dày có thể di căn tới các vị trí xa dạ dày.
Trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày, việc xác định kích thước khối u cũng như tình trạng di căn của các tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết cũng giúp các bác sĩ trong việc đánh giá bệnh ung thư dạ dày đang ở giai đoạn nào từ đó có phương án điều trị đúng.
Vị trí tế bào ung thư dạ dày di căn phổ biến nhất là gan, chiếm 48% tổng số bệnh nhân ung thư dạ dày di căn. Nguyên nhân là do gan là tạng ở gần nhất dạ dày. Theo thời gian, khối u ác tính dạ dày ăn sâu qua thành dạ dày, từ đó tiếp xúc vào gan và làm cho gan xuất hiện các tế bào ung thư tương tự. Hoặc có thể nguyên nhân là do sự lây lan các tế bào ung thư qua mạng lưới bạch huyết gần gan và dạ dày.
Ung thư dạ dày di căn qua tụy
Nguyên nhân ung thư dạ dày di căn sang tụy có thể xảy ra trong 2 trường hợp:
- Tụy cũng là tạng gần với dạ dày như gan, chính vì vậy mà tỷ lệ di căn, xâm lấn tự nhiên của tế bào ung thư dạ dày sang các cơ quan này là rất cao.
- Hoặc do các tai biến trong phẫu thuật cắt bỏ khối u dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật, một vài tế bào ung thư đã rơi vào cơ quan này, từ đó phát triển thành khối u thứ phát. Từ khối u thứ phát tại tụy, tế bào ung thư có thể di căn sang cả phúc mạc bụng.
Ung thư dạ dày di căn phúc mạc
Phúc mạc là màng thanh mạc lớn nhất của cơ thể, chức năng của phúc mạc là bao bọc các cơ quan trong ổ bụng và đáy chậu. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ung thư dạ dày di căn phúc mạc là do tai biến trong phẫu thuật, đây cũng lý do giải thích vì sao nhiều người bệnh thực hiện phẫu thuật có thể chữa khỏi nhưng sau một thời gian ung thư dạ dày rất dễ tái phát.
Theo nhiều thống kê thì tỉ lệ ung thư dạ dày di căn phúc mạc là khoảng 32%.
Tỷ lệ ung thư dạ dày di căn sang phổi là khoảng 15%. Tuy phổi là cơ quan xa với dạ dày nhưng đây lá phổi lại khá gần với dạ dày, chính vì vậy mà việc di căn của tế bào ung thư dạ dày tới phổi có thể xảy ra ngay ở ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Ung thư dạ dày di căn phổi thường xảy ra cùng với sự di căn gan.
Ung thư dạ dày di căn sang xương
Tế bào ung thư dạ dày di căn sang xương thường xảy ra trong giai đoạn 4 của bệnh. Các tế bào ung thư thông qua hệ thống bạch huyết đã đi đến các mô xương và hình thành nên khối u tại đây, gây ra nhiều các cơn đau đớn.
Tỉ lệ ung thư dạ dày di căn xương là khoảng 12%.
Các vị trí khác
Ngoài các vị trí ung thư dạ dày có thể di căn kể trên, tế bào ung thư dạ dày có thể di căn sang các vị trí khác như tuyến tiền liệt (đối với nam), buồng trứng – khối u Krukenberg (đối với nữ), não, túi mật,… nhưng với tỉ lệ thấp hơn.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày di căn
Tùy thuộc vào kích thước khối u và vị trí của các khối u tại dạ dày, ví trị di căn mà bệnh nhân ung thư dạ dày di căn có thể xuất hiện các dấu hiệu biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Bên cạnh các triệu chứng và biến chứng dạ dày bị tổn thương (đau nặng vùng thượng vị, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa,…), bệnh nhân có thể gặp thêm các biểu hiện sau:
- Với ung thư dạ dày di căn hạch bạch huyết. Xuất hiện hiện tượng các hạch bạch huyết ở vùng thượng vị to, sờ cứng, ấn không đau.
- Với ung thư dạ dày di căn gan. Xuất hiện các triệu chứng ung thư gan, đặc biệt là hiện tượng vàng da.
- Với ung thư dạ dày di căn xương. Bệnh nhân sẽ phải đối diện thêm với tình trạng đau xương mạn tính, thiếu máu.
- Trường hợp ung thư dạ dày di căn não: Xuất hiện dấu hiệu như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt không rõ nguyên nhân.
- Ung thư dạ dày di căn phổi. Người bệnh sẽ xuất hiện thêm ho, khó thở, đau họng,…
- Ung thư dạ dày di căn buồng trứng ở nữ. Xuất hiện hiện tượng đi ngoài ra máu.
Mặc dù có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng đặc điểm chung ở những bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn ở giai đoạn cuối là đều cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bị suy nhược cơ thể nặng, và sụt cân nhanh chóng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những tổn thương nghiêm trọng trên bộ máy tiêu hóa gây ra bởi khối u dạ dày.
Bệnh ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu?
Khi đã xuất hiện tình trạng di căn, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư dạ dày sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và vị trí di căn của khối u thứ phát, cụ thể như sau:
- Nếu bệnh ung thư dạ dày nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu, lúc này các tế bào ung thư chỉ mới di căn sang các hạch bạch huyết thì bệnh nhân vẫn còn khả năng chữa khỏi.
- Nếu ung thư dạ dày đã sự di căn đến các cơ quan ngoài dạ dày như gan, phổi, não, xương,… thì lúc này các biện pháp điều trị cũng không thể chữa khỏi được bệnh, tỉ lệ sống sót của bệnh nhân là rất thấp (dưới 5%). Trung bình thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư dạ dày di căn là 3 tháng. Đặc biệt trong trường hợp tế bào ung thư đã lây lan tới gan và xương thì người bệnh chỉ có thể sống thêm trung bình được khoảng 2 tháng mà thôi.
Tuy nhiên, nếu kịp thời phát hiện và được điều trị tích cực, một số bệnh nhân ung ung thư dạ dày di căn giai đoạn cuối vẫn có thể sống hơn 5 năm nhờ vào liệu trình điều trị hợp lý và thái độ sống tích cực của người bệnh (dinh dưỡng, tâm lý, tập luyện, sử dụng thực phẩm hỗ trợ).
Cách điều trị ung thư dạ dày di căn
Khi đã xuất hiện tình trạng di căn của các tế bào ung thư dạ dày, việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và vị trí di căn của các tế bào ung thư.
Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày di căn phổ biến như: phẫu thuật, hóa trị, hóa xạ trị, xạ trị liệu.
Phẫu thuật
Phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu, lúc này tế bào ung thư mới chỉ lan rộng đến các hạch bạch huyết lân cận; chỉ định phẫu thuật nhằm mục đích cắt bỏ khối u nguyên phát trong dạ dày và các hạch bạch huyết xung quanh. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u và hạch bạch huyết thì bệnh nhân có khả năng sẽ khỏi bệnh hoàn toàn cao.
Trường hợp tế bào ung thư đã lan rộng sang các cơ quan như gan, xương, phổi, tụy,… chỉ định phẫu thuật lúc này chỉ có tác dụng giúp giảm đau đớn, kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh. Đối với các bệnh nhân này, phẫu thuật nhằm mục đích cắt bỏ khối u trong dạ dày (1 phần hoặc toàn bộ dạ dày) và một phần các cơ quan bị khối u di căn.
Với những bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn giai đoạn cuối thường có sức khỏe rất yếu và không thể đáp ứng được phương pháp phẫu thuật, lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị khác.
Hóa xạ trị
Trong điều trị ung thư dạ dày di căn, chỉ định hóa xạ trị để bổ trợ cho phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng hóa xạ trị trước phẫu thuật để hỗ trợ loại bỏ khối u và sau khi phẫu thuật để kìm hãm việc tái phát hoặc phát triển của bệnh.
Đối với các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối di căn, mục đích chính của việc sử dụng hóa xạ trị là giảm bớt đau đớn và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Các phương pháp khác
Đối với các bệnh nhân ung thư dạ dày di căn có sức khỏe quá yếu, hoặc có các bệnh nghiêm trọng khác, không thể đáp ứng được với việc phẫu thuật hay hóa xạ trị thì các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân áp dụng các phương pháp khác như hóa trị đơn độc, xạ trị liệu. Các phương pháp này cũng chỉ có thể giúp kéo dài sự sống của người bệnh.